Biến trái mãng cầu thành sản phẩm OCOP

tải xuống (7) - Copy

Năm 2021, trà mãng cầu Hai Đậu của hộ kinh doanh Nguyễn Tấn Đậu, ngụ xã Thạnh Hòa (Giồng Riềng) được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Anh Nguyễn Tấn Đậu khởi nghiệp thành công từ sản phẩm trà mãng cầu.

Với chất lượng ổn định, sản phẩm trà mãng cầu Hai Đậu từng bước chinh phục khách hàng, thị trường tiêu thụ mở rộng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.Ý tưởng kinh doanh trà mãng cầu hình thành khi gia đình anh Nguyễn Tấn Đậu lập vườn trồng mãng cầu thất bại cách đây 5 năm. Anh Đậu kể, năm 2017, nhiều nhà vườn thất bại, trong đó có ba của anh trồng mãng cầu xiêm, chưa nắm rõ kỹ thuật canh tác, cây cho năng suất thấp, trái rớt giá, bán không ai mua. Chán nản, ba anh Đậu định đốn bỏ vườn. Một lần đi tham quan, học hỏi cách làm trà mãng cầu tại một cơ sở ở tỉnh Hậu Giang, anh Đậu bắt đầu mài mò, tìm hiểu cách thức chế biến, sản xuất trà từ nguồn nguyên liệu có sẵn của vườn nhà. “Được sự ủng hộ của gia đình, tôi bắt đầu thử nghiệm sản xuất trà mãng cầu, rồi đem cho mọi người dùng thử và nhận được những phản hồi tích cực. Tôi mạnh dạn xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc, trang thiết bị để chế biến trà mãng cầu số lượng lớn. Rất may mắn tôi được sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Giồng Riềng, Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện các quy trình, thủ tục để đăng ký thương hiệu, chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm”, anh Đậu cho biết.

Trà mãng cầu Hai Đậu được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2021, sản phẩm này được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao, được lựa chọn làm sản phẩm trong giỏ quà tết của tỉnh.

Trà mãng cầu Hai Đậu được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu chế biến đến các công đoạn sấy, rang và đóng gói. Để sản xuất gói trà thành phẩm phải trải qua nhiều công đoạn. Trước tiên khâu thu hoạch, chọn lựa trái mãng cầu phải đảm bảo không quá chín, không quá non, sau đó sơ chế rửa sạch, cắt thành từng lát mỏng, bỏ hạt, rồi cắt nhuyễn thành sợi, cho vào lò sấy với nhiệt độ thích hợp, tiếp tục cho vào máy rang để làm vàng đều trước khi cho ra thành phẩm trà. Công đoạn rang trà quan trọng nhất tạo nên chất lượng trà vì người trực tiếp thực hiện công đoạn này phải điều chỉnh nhiệt độ và thời gian thích hợp để trà khi pha sẽ có màu đẹp, vẫn giữ được hương vị và mùi thơm đặc trưng của mãng cầu. Trà mãng cầu sẽ được cho vào túi giấy để đóng gói và bảo quản.

Theo anh Đậu, để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, việc chọn nguyên liệu rất quan trọng. Nhằm chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất, anh Đậu đã mở rộng diện tích trồng mãng cầu xiêm tại vườn nhà, đồng thời kết hợp thu mua trái mãng cầu tại các chủ vườn lân cận tại huyện Giồng Riềng. Ước tính mỗi tháng, cơ sở sản xuất của anh Đậu xuất bán từ 150-200kg trà thành phẩm ra thị trường. Sản phẩm có chất lượng ổn định, không phẩm màu, không sử dụng chất bảo quản, nguồn nguyên liệu được lựa chọn kỹ càng, quy trình sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Sản phẩm trà mãng cầu Hai Đậu đã và đang nhận được sự ủng hộ, tin tưởng từ người tiêu dùng, thị trường ngày càng mở rộng đến các tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Quốc…

Anh Nguyễn Tấn Đậu chia sẻ: “Việc được phân hạng sản phẩm OCOP đã góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm trà mãng cầu Hai Đậu trên thị trường, tạo sự tin tưởng của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đối với sản phẩm của cơ sở sản xuất. Thời gian tới, cơ sở tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, trong đó chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, dự kiến có thêm trà đóng lon để hướng tới đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng. Đồng thời, tiếp tục tham gia nhiều sự kiện, hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại để tìm kiếm các đối tác kinh doanh mới, mở rộng thị trường tiêu thụ”.